Đánh giá Chiến_dịch_tấn_công_Lyuban

Thảm họa tại Lyuban đến từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, trước hết, đó là ưu thế đáng kể về mặt binh lực, trang bị, cơ sở vật chất và hậu cần của quân đội Đức cũng như những sai lầm trong cơ cấu và tổ chức của quân đội Liên Xô tại các cấp. Nguyên soái không quân A. P. Sliantyev đã miêu tả về yếu tố này trong trận chiến ở Myasnogo Bora như sau:

Khi Tập đoàn quân xung kích số 2 bị tiêu diệt ở vùng đầm lầy Volkhov, chúng tôi thấy rằng đó là kết quả của sự tính toán sai lầm của Bộ Tổng tư lệnh Tối cao. Tôi phụ trách tập đoàn quân này trong vòng 6 tháng và đã mất rất nhiều đồng đội. "Cái chết" của Tập đoàn quân là bi kịch lớn nhất của hàng nghìn binh sĩ và sĩ quan, tất cả trách nhiệm của việc này đều bị đổ lên đầu của kẻ phản bội Vlasov. Mặc dù việc thanh minh cho kẻ phản bội này thật là lố bịch, nhưng sự thật là tập đoàn quân đã nằm trong tình trạng rất thê lương.
— A. P. Sliantyev

Theo nhà sử học B. I. Gavrilov, số phận thê thảm của Tập đoàn quân xung kích số 2 có nguyên do chủ yếu là các tính toán sai lầm trong việc lập kế hoạch tác chiến trong mùa đông năm 1942, của các chỉ huy quân đội Liên Xô và của cả cá nhân I. V. Stalin: đề ra thời hạn không thực tế cho các chiến di5cg lớn và không chuẩn bị đầy đủ nhân lực cũng như vật lực cho lực lượng dự bị chiến lược, vốn được bố trí trải đều trên nhiều hướng và nhiều phương diện quân khác nhau. Việc này đã dẫn tới các thảm họa tại Vyazma, Krym, gần Kharkov, ở Myasnogo Bora, và kết thúc bằng việc quân Đức đã đột phá đến gần Stalingrad. Cụ thể, ông giải thích:

Mức độ chỉ huy chiến lược kém liên quan tới phương diện quân Volkhov được thể hiện trong mệnh lệnh của Đại bản doanh yêu cầu tung Tập đoàn quân xung kích số 2 vào cái hành lang bé xíu, gần như là đâm đầu vào phòng tuyến của quân địch. Các mệnh lệnh của Stalin đặc biệt sai lầm, khi sự nóng vội mang tính thiếu khôn ngoan bị thế chỗ bởi sự trễ nải quá đáng trong việc ra lệnh rút lui khỏi vòng vây. Phải chăng Stalin cố ý hy sinh toàn bộ tập đoàn quân đang bị bao vây với hy vọng ít nhất sẽ lôi kéo sự chú ý của quân địch khỏi Leningrad ? Vai trò tiêu cực trong chiến dịch Lyuban đã khiến Đại bản doanh không thể phối hợp các hoạt động của Phương diện quân Volkhov và Tập đoàn quân số 54 của Phương diện quân Leningrad, trong khi đáng ra chức năng của Đại bản doanh là phải phối hợp hoạt động giữa các Phương diện quân. Kế hoạch hành động chung của Tập đoàn quân số 54 và số 2 chỉ được Đại bản doanh triển khai từ ngày 28 tháng 2, khi lực lượng tiến công ở Lyuban đã kiệt quệ. Một sai lầm ngớ ngẩn khác của Stalin là quyết định giải thể Phương diện quân Volkhov và điều này đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
— B. I. Gavrilov

Một nguyên nhân khác vừa mang tính khách quan lẫn chủ quan, đó là sự thiếu kinh nghiệm và thiếu huấn luyện của các sĩ quan cao cấp và trung cấp trong quân đội Liên Xô lúc bấy giờ, nó đã góp phần vào thảm họa ở Lyuban cũng như ở nhiều khu vực khác trên mặt trận Xô-Đức năm 1942.

Nguyên nhân chủ quan của thất bại ở Lyuban còn nằm ở những lỗi lầm nghiêm trọng của các đại diện Đại bản doanh tại Phương điện quân Volkhov, cụ thể là L. Z. Mekhlis, K. Ye. VoroshilovG. M. Malenkov. Đáng ra vai trò của họ phải là điều phối các hoạt động của hai Phương diện quân Leningrad và Volkhov, tuy nhiên những gì họ làm chỉ là ép buộc các chỉ huy Phương diện quân và Tập đoàn quân phải hoàn thành các chỉ tiêu của I. V. Stalin "bằng mọi giá". Điều này đã gây ra những thương vong vô ích và không đáng có cho quân đội Liên Xô.

Đại diện Đại bản doanh không hề làm gì để cải thiện tình thế cho Phương diện quân Volkhov và Tập đoàn quân xung kích số 2. Mekhlis, Voroshilov và Malenkov chỉ có thể thể hiện năng lực của mình trong việc thực thi các nhiệm vụ với tư cách các chính ủy của Đảng, tuy nhiên nhiệm vụ chỉ huy quân đội đã vượt quá khả năng của họ.
— B. I. Gavrilov

Nhà sử học N. B Olyeinik đã liệt kê các nguyên nhân dẫn đến thất bại ở Lyuban như sau: việc đánh giá sai lầm về tình hình của mặt trận Xô-Đức nói chung, việc tái tổ chức Phương diện quân Volkhov, sự thiếu chuẩn bị về mặt nhân sự cũng như của các chỉ huy, khả năng sản xuất của đất nước chưa phục hồi đầy đủ để đáp ứng cho nhu cầu của các chiến dịch quá tham vọng, thời gian chuẩn bị quá ngắn, việc phối hợp giữa các phương diện quân không tốt, việc chỉ huy còn mắc nhiều nhược điểm lớn, thiếu chú trọng đến huấn luyện binh sĩ cũng như các hoạt động phản công của quân Đức, và hệ thống đường sá yếu kém đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chiến dịch.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_Lyuban http://militera.lib.ru/h/gavrilov_bi(2)/index.html http://militera.lib.ru/h/isaev_av4/index.html http://militera.lib.ru/memo/russian/sb_tragedia_my... http://militera.lib.ru/memo/russian/vasilevsky/ind... http://militera.lib.ru/prose/russian/gagarin/index... http://militarymaps.narod.ru/oper_1942.html#2 http://www.blokada.otrok.ru/text.php?s=lu&t=1 http://www.blokada.otrok.ru/text.php?s=lu&t=15 http://pavlovsk-spb.ru/myasnoj-bor/510-bitva-v-mya... http://pavlovsk-spb.ru/myasnoj-bor/510-bitva-v-mya...